Từ ngày 14/7/2023, việc kiểm tra thuế sẽ được thực hiện theo Quyết định mới của Tổng cục Thuế. Để hiểu rõ hơn về quy trình kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế, mời các bạn cùng Vina Accounting tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây nhé!

Khi nào cơ quan thuế cần kiểm tra thuế của doanh nghiệp?

Theo Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 970/QĐ-TCT ngày 14/7/2023, cơ quan thuế sẽ tiến hành kiểm tra doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây:
- Kiểm tra từ hồ sơ thuế.
- Kiểm tra khi phát hiện có dấu hiệu về vi phạm pháp luật.
- Kiểm tra hoàn thuế.
- Kiểm tra theo chuyên đề và kế hoạch có sẵn.
Việc lựa chọn những doanh nghiệp để tiến hành kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế theo kế hoạch hoặc chuyên đề ưu tiên (thực hiện theo thứ tự rủi ro từ cao xuống) đồng thời xem xét lựa chọn những doanh nghiệp chưa được thanh tra hoặc kiểm tra thuế trong vòng 5 năm và không trùng lặp với những doanh nghiệp đã được đưa vào kế hoạch thanh tra thuế.
- Kiểm tra theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, Thanh tra nhà nước hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.
- Kiểm tra đối với người nộp thuế khi có các thay đổi như chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chấm dứt hoạt động, cổ phần hóa, chuyển địa điểm kinh doanh, chấm dứt hiệu lực mã số thuế dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý.
- Kiểm tra đột xuất, trong các trường hợp sau đây:
- Kiểm tra theo đơn tố cáo.
- Kiểm tra theo sự chỉ đạo của các Thủ trưởng cơ quan thuế hoặc Thủ trưởng cơ quan thuế cấp trên.
- Kiểm tra theo đề nghị của người nộp thuế khi có các thay đổi như tách, chia, sáp nhập, hợp nhất, chấm dứt hoạt động, giải thể, cổ phần hóa,chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển địa điểm kinh doanh, chấm dứt hiệu lực mã số thuế, dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý.
- Kiểm tra trước khi hoàn thuế.
- Kiểm tra theo đề xuất sau khi đã kiểm tra tại trụ sở của cơ quan thuế.
- Một số trường hợp cần kiểm tra đột xuất khác.
Quy trình kiểm tra thuế mới nhất
Quy trình kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế sẽ được chia thành hai phần như sau:
Phần đầu tiên: Công bố Quyết định kiểm tra thuế

- Việc kiểm tra thuế theo Quyết định kiểm tra thuế phải được tiến hành trong thời hạn tối đa là 10 ngày làm việc, tính từ ngày ban hành Quyết định kiểm tra thuế, trừ trường hợp bị bãi bỏ hoặc hoãn kiểm tra.
- Trước khi bắt đầu kiểm tra thuế, Trưởng đoàn phải công bố Quyết định kiểm tra thuế và giải thích nội dung Quyết định kiểm tra cho người nộp thuế hiểu và chịu trách nhiệm tuân thủ Quyết định kiểm tra.
- Sau khi công bố về Quyết định kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra thuế và doanh nghiệp phải có biên bản công bố Quyết định kiểm tra thuế theo mẫu số 07/KTT Thông tư 80/2021/TT-BTC.
Nếu doanh nghiệp không chấp nhận ký biên bản công bố Quyết định kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra sẽ xử lý tình huống tương tự như khi người nộp thuế không nhận Quyết định kiểm tra hoặc cố tình trốn tránh chấp hành Quyết định kiểm tra.
Phần thứ hai: Thực hiện kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế
Khi thực hiện kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, Trưởng đoàn kiểm tra và các thành viên đoàn kiểm tra phải tuân thủ đúng nội dung và thời hạn được ghi trong Quyết định kiểm tra thuế.
- Dựa vào kế hoạch phân công công việc của Trưởng đoàn kiểm tra, thành viên của đoàn kiểm tra phải thực hiện công việc theo sự phân công đó.
- Theo phân công công việc của từng thành viên, các thành viên đoàn kiểm tra được quyền yêu cầu người nộp thuế cung cấp thông tin và tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra thuế mà không có trên hệ thống cơ sở dữ liệu thuế.
- Dựa vào kế hoạch phân công, thành viên đoàn kiểm tra thực hiện việc kiểm tra và so sánh các nội dung đã được phân tích, đánh giá rủi ro, và các nội dung nằm trong phạm vi Quyết định kiểm tra với các hồ sơ tài liệu thu thập trong quá trình kiểm tra.
- Trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra thực hiện việc kiểm tra các chứng từ kế toán, sổ sách kế toán, báo cáo tài chính, và các tài liệu có liên quan trong phạm vi nội dung của Quyết định kiểm tra thuế.
– Trong trường hợp người nộp thuế sử dụng phần mềm kế toán, đoàn kiểm tra yêu cầu cung cấp sổ kế toán được lưu trữ dưới dạng dữ liệu điện tử có thể đọc bằng các phần mềm văn phòng thông dụng, với nội dung tương tự như phiên bản in ra được lưu trữ theo quy định, mà không yêu cầu in ra trên giấy.
– Trong trường hợp cần phải tạm giữ tài liệu và tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế hoặc gian lận thuế, Trưởng đoàn kiểm tra phải báo cáo cho Lãnh đạo bộ phận kiểm tra thuế và trình Thủ trưởng cơ quan thuế một Quyết định áp dụng biện pháp tạm giữ tiền, đồ vật, và giấy phép liên quan đến hành vi trốn thuế hoặc gian lận thuế theo quy định tại Điều 112 Luật Quản lý thuế 2019.
– Trong quá trình kiểm tra, nếu người nộp thuế phát hiện lỗi sai trong khai báo, đã khai bổ sung hồ sơ thuế và đã nộp số tiền thuế bị lỗi sai hoặc gian lận vào ngân sách nhà nước, đoàn kiểm tra phải ghi nhận chứng từ việc nộp tiền và số tiền thuế đã nộp vào biên bản để xử lý vi phạm theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019. - Trong trường hợp người nộp thuế không cung cấp đầy đủ, chính xác tài liệu, hồ sơ, hóa đơn, chứng từ và sổ kế toán liên quan đến nghĩa vụ thuế trong thời hạn 6 giờ làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu từ đoàn kiểm tra, đoàn kiểm tra sẽ lập biên bản vi phạm hành chính theo Điều 15 Nghị định 125/2020/NĐ-CP. Biên bản vi phạm hành chính sẽ được ký bởi người nộp thuế hoặc đại diện của họ.

- Trong trường hợp người vi phạm hoặc đại diện của đơn vị vi phạm không có mặt, cố tình trốn tránh hoặc có lý do khách quan không thể ký vào biên bản, biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc phường nơi vi phạm xảy ra, hoặc có ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận. Nếu không có xác nhận từ chính quyền hoặc người chứng kiến, lý do phải được ghi rõ trong biên bản.
- Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện các vấn đề có thể dẫn đến khiếu nại từ người nộp thuế khi ban hành Quyết định xử lý hoặc Kết luận kiểm tra, trưởng đoàn kiểm tra phải tập hợp hồ sơ, tài liệu liên quan đến vấn đề gây tranh cãi để báo cáo lãnh đạo bộ phận kiểm tra.
- Lãnh đạo bộ phận kiểm tra sau khi nhận được báo cáo sẽ đưa ra ý kiến chỉ đạo xử lý bằng văn bản trong vòng 2 ngày làm việc từ ngày nhận được báo cáo. Nếu vẫn còn vấn đề gây tranh cãi, lãnh đạo bộ phận kiểm tra sẽ xin ý kiến từ Người ra quyết định kiểm tra trong vòng 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo.
- Nếu cần lấy ý kiến từ các bộ phận khác hoặc từ cơ quan cấp trên, lãnh đạo bộ phận kiểm tra phải báo cáo Người ra quyết định kiểm tra và yêu cầu ý kiến bằng văn bản. Thời hạn để nhận ý kiến từ các bộ phận hoặc cơ quan cấp trên là 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo từ lãnh đạo bộ phận kiểm tra. Khi nhận được ý kiến, đoàn kiểm tra phải tổng hợp và báo cáo lãnh đạo bộ phận kiểm tra để xem xét và quyết định.
- Trong trường hợp nội dung kiểm tra phức tạp hoặc cần thiết phải gia hạn kiểm tra để giải quyết các vấn đề gây tranh cãi có thể dẫn đến khiếu nại, trưởng đoàn kiểm tra phải báo cáo Người ra quyết định kiểm tra trước khi kết thúc thời gian kiểm tra để yêu cầu gia hạn kiểm tra. Gia hạn kiểm tra chỉ được thực hiện một lần và thời hạn gia hạn không quá 10 ngày làm việc tại trụ sở người nộp thuế.
- Khi hoàn thành công việc được giao trong quá trình kiểm tra, thành viên của đoàn kiểm tra phải lập biên bản xác nhận số liệu với đại diện người nộp thuế (theo mẫu 09/QTKT Quyết định 970/QĐ-TCT). Thành viên của đoàn kiểm tra phải chịu trách nhiệm đảm bảo tính chính xác, trung thực và khách quan của biên bản xác nhận số liệu kiểm tra.
Trên đây là toàn bộ những thông tin đầy đủ về quy trình kiểm tra thuế mà Vina Accounting đã chia sẻ tới bạn. Hy vọng qua bài viết này, các bạn sẽ có những cái nhìn tổng quan nhất về quy trình kiểm tra thuế hiện nay nhé!
Xem thêm: