Trong quá trình nộp thuế thu nhập cá nhân, một số trường hợp người lao động sẽ được hoàn lại khoản tiền thừa. Thế nhưng, không phải lúc nào việc nhận tiền hoàn thuế TNCN cũng đơn giản và nhanh chóng như bạn nghĩ. Vậy người nộp thuế khi nào được hoàn thuế TNCN? Để trả lời câu hỏi này, mời bạn cùng tham khảo những chia sẻ của Vina Accounting thông qua bài viết dưới đây.
Thế nào là hoàn thuế TNCN?
Dựa theo Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và các văn bản liên quan, hoàn thuế thu nhập cá nhân được hiểu là việc người nộp thuế được nhận lại phần tiền thuế thu nhập cá nhân được hoàn lại khi nộp thừa và đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Hiện nay, Pháp luật chưa có định nghĩa cụ thể về hoàn thuế thu nhập cá nhân, khái niệm trên được đưa ra dựa trên các quy định và văn bản liên quan.

Khi nào được hoàn thuế TNCN?
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 8 của Luật Thuế thu nhập cá nhân (2007), 3 trường hợp cá nhân được hoàn thuế TNCN bao gồm:
- Số tiền thuế mà cá nhân đã đóng lớn hơn số tiền thuế thực tế phải nộp;
- Số tiền thuế nộp thừa của cá nhân không bù trừ với số thuế phải nộp của kỳ tiếp theo;
- Cá nhân có thu nhập tính thuế chưa đến mức phải nộp thuế nhưng đã thực hiện nộp thuế TNCN;
- Các trường hợp ngoại lệ, đặc biệt khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Vậy làm sao để cá nhân biết được hoàn thuế thu nhập cá nhân thuộc trường hợp nào trong 4 trường hợp kể trên?
Hướng dẫn cách tính thuế TNCN

Đối với người nộp thuế, tính số thuế được hoàn là việc khá quan trọng và không hề đơn giản. Tùy vào từng trường hợp được hoàn thuế TNCN mà bạn sẽ có cách tính khác nhau để nhận lại số tiền đã nộp. Dưới đây là những trường hợp phổ biến và cách tính chi tiết bạn có thể tham khảo:
Trường hợp 1: Tính hoàn thuế để biết số tiền thuế đã nộp thừa
Người nộp thuế thuộc trường hợp này phải biết số tiền thuế mình đã tạm nộp là bao nhiêu. Kế đến tìm hiểu và tính toán chính xác số thuế phải nộp để biết số tiền chênh lệch, từ đó rút ra được số tiền đã nộp thừa và yêu cầu bồi hoàn tiền.
Trường hợp 2: Tính hoàn thuế khi chưa đến mức phải nộp
Trong năm, khi người lao động đi làm đủ 12 tháng mà thu nhập từ tiền lương, tiền công giữa các tháng là khác nhau, tháng cao thì tạm nộp thuế, thì người lao động chưa đến mức phải nộp thuế. Ngoài ra, trường hợp lương cao hơn mức giảm trừ gia cảnh nhưng làm không đủ 12 tháng cũng được xét thuộc trường hợp trên. Lúc này, người nộp thuế chỉ cần tính toán thu nhập tính thuế của mình để biết rằng đã đến mức phải nộp thuế hay chưa. Dựa trên tổng thu nhập và mức giảm trừ gia cảnh, bao gồm cả mức giảm trừ cho bản thân và giảm trừ cho người phụ thuộc.
Nếu trong năm thu nhập từ tiền lương, tiền công (trừ thu nhập được miễn thuế) từ dưới 132 triệu đồng trở xuống sẽ không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp nếu người lao động có người phụ thuộc nữa thì mỗi người sẽ được giảm trừ 4,4 triệu đồng/tháng.
Thủ tục hoàn thuế thu nhập cá nhân chi tiết
Để hoàn tất thủ tục hoàn thuế thu nhập cá nhân một cách nhanh nhất, người lao động thực hiện thông qua 2 cách hoàn thuế thu nhập cá nhân như sau:

Nộp trực tiếp tại cơ quan thuế
Trong trường hợp cá nhân có nguyện vọng nộp trực tiếp tại cơ quan thuế cần chuẩn bị hồ sơ hoàn thuế đầy đủ như sau:
- Một tờ khai quyết toán thuế mẫu số 02/QTT-TNCN.
- Bảng kê 02-1BK-QTT-TNCN
- Chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (chứng từ khấu trừ thuế này do doanh nghiệp cung cấp cho các bạn)
- Nếu quyết toán thuế tại cơ quan thuế quản lý Doanh nghiệp giảm trừ gia cảnh, bạn cần chuẩn bị thêm một bản chụp hợp đồng lao động.
- Nếu quyết toán thuế tại cơ quan thuế nơi cá nhân cư trú, người lao động chuẩn bị sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú.
- Bên cạnh đó, cá nhân cần mang theo chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân để đối chiếu thông tin có liên quan.
Nộp hồ sơ trực tuyến
Nếu người lao động không thể nộp trực tiếp hồ sơ hoàn thuế thu nhập cá nhân, bạn có thể thực hiện nộp hồ sơ online thông qua phần mềm HTKK. Trình tự các bước tiến hành cụ thể như sau:
Bước 1- Tạo hồ sơ online: Người lao động đăng nhập vào phần mềm HTKK rồi tiến hành điền đầy đủ thông tin trên Tờ khai Quyết toán 02/QTT-TNCN, sau đó kết xuất file XML.
Bước 2 – Tiến hành nộp hồ sơ: Khi nộp hồ sơ hoàn thuế cần lưu ý:
- Trong năm nếu cá nhân có trực tiếp khai thuế thì đến cơ quan thuế đã nộp hồ sơ khai thuế để nộp tiếp hồ sơ quyết toán thuế.
- Đối với cá nhân được tính giảm trừ theo gia cảnh, nộp hồ sơ quyết toán thuế trực tiếp tại cơ quan thuế của tổ chức, doanh nghiệp trả thu nhập đó. Trường hợp cá nhân có sự thay đổi nơi làm việc thì nộp hồ sơ quyết toán thuế đến cho cơ quan thuế tổ chức trả lương cuối cùng. ( Theo quy định tại Điểm c, thuộc Khoản 3, Điều 21 của Thông tư số 92/2015/TT-BTC)
- Kể từ ngày kết thúc năm tính thuế, cá nhân yêu cầu hoàn thuế có thể nộp hồ sơ bất cứ thời điểm nào.

Bước 3: Cơ quan thuế tiến hành giải quyết hồ sơ hoàn thuế theo trình tự và quy trình đúng quy định. Thời gian nhận được tiền hoàn thuế thu nhập cá nhân sẽ được thông báo với người lao động dựa theo quy định của Pháp luật. Cụ thể tại Khoản 3, Điều 58, Thông tư số 156/2013/TT-BTC, kể từ ngày cơ quan thuế nhận được đủ hồ sơ hoàn thuế TNCN, cơ quan thuế đó có trách nhiệm giải quyết thủ tục hoàn thuế TNCN trong vòng 6 ngày làm việc.
Lời kết
Hy vọng rằng quan bài viết trên, người lao động có thể biết được khi nào được hoàn thuế TNCN. Tóm lại, Vina Accounting đã hướng dẫn bạn quy trình nộp hồ sơ hoàn thuế TNCN bằng 2 cách chi tiết, cụ thể. Nếu có bất cứ thắc mắc về việc lập hồ sơ hoàn thuế, hãy đăng ký tư vấn tại website, chúng tôi sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhanh nhất. Chúc bạn thực hiện thành công!