Công việc, vai trò của kế toán thanh toán trong doanh nghiệp

Trong mỗi tổ chức thường có nhiều vị trí kế toán khác nhau. Trong đó, kế toán thanh toán là một vị trí công việc quan trọng, không thể thiếu của mỗi doanh nghiệp. Hãy cùng tìm hiểu về công việc cụ thể tại vị trí này nhé.

Kế toán thanh toán – Vị trí không thể thiếu trong doanh nghiệp

I. Kế toán thanh toán là gì?

Vị trí kế toán thanh toán là người đảm nhận công việc thực hiện các chứng từ thu chi phát sinh hàng ngày. Họ là người trực tiếp theo dõi và quản lý tiền cũng như hạch toán các giao dịch nghiệp vụ kinh tế phát sinh liên quan đến hoạt động thu chi của doanh nghiệp.

Công việc của kế toán thanh toán sẽ tổng hợp những khoản thu đồng thời dùng dòng tiền để thanh toán cho các đối tượng hay các hoạt động của doanh nghiệp.

II. Kế toán thanh toán có giống với vị trí kế toán công nợ?

Kế toán thanh toán và kế toán công nợ có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nhưng thực chất đây là hai chức danh và vị trí riêng biệt trong doanh nghiệp. Để phân biệt bạn có thể hiểu đơn giản như sau:

  • Kế toán thanh toán sẽ phụ trách các chứng từ thu chi bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản khi có các nhu cầu thanh toán phát sinh trong doanh nghiệp.
  • Còn kế toán công nợ sẽ theo dõi các khoản nợ bao gồm khoản nợ ngân hàng và khoản nợ đối với các nhà cung cấp và các khoản nợ khác.

III. Mô tả các nhiệm vụ của kế toán thanh toán

Công việc của kế toán thanh toán thường có các mảng chính:

Quản lý các khoản thu được của doanh nghiệp:

  • Thực hiện nghiệp vụ thu tiền từ các cổ đông, công nợ của khách hàng, tiền thu từ thu ngân hàng ngày.
  • Theo dõi nguồn tiền thanh toán của khách hàng qua thẻ
  • Đôn đốc thu hồi công nợ từ các nguồn
  • Theo dõi tiền gửi của doanh nghiệp vào ngân hàng
  • Tiếp nhận, xác minh tính hợp pháp và quản lý các chứng từ thu – chi.
  • Kiểm soát hoạt động của bộ phận thu ngân (nếu có).

Quản lý về các khoản chi của doanh nghiệp gồm có:

  • Đối với nhà cung cấp cần lên kế hoạch thanh toán công nợ định kỳ
  • Quy trình thực hiện nghiệp vụ thanh toán bằng tiền mặt hoặc qua chuyển khoản cho các đối tác hay nhà cung cấp gồm có: đối chiếu công nợ, nhận và kiểm tra hóa đơn chứng từ, xem xét phiếu đề nghị thanh toán và lập phiếu chi trình sếp ký duyệt.
  • Thực hiện các nghiệp vụ bên trong nội bộ công ty như tạm ứng, lương, thưởng, phụ cấp và thanh toán,…

Theo dõi biến động trong quỹ tiền mặt

  • Kế toán thanh toán kết hợp với thủ quỹ để thực hiện các nghiệp vụ thu chi theo đúng quy định của công ty.
  • Đối chiếu tiền mặt thu được và tồn lại hàng ngày với thủ quỹ
  • Báo cáo xuất, thu và tồn quỹ hàng ngày cho giám đốc

Các công việc khác theo chỉ đạo

  • Lập và báo cáo các chứng từ, in báo cáo sổ sách trình lên các cấp theo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu.
  • Đối chiếu và nhắc nhở khách hàng công nợ. Báo cáo tình hình công nợ lên ban giám đốc
  • Giải trình ý nghĩa, mô tả các số liệu khi được yêu cầu
  • Và thực hiện các nhiệm vụ khác của cấp trên giao phó.

Kế toán thanh toán đảm nhận nhiều công việc hàng ngày

IV. Kỹ năng cần thiết cho vị trí công việc kế toán thanh toán

Kế toán thanh toán có vai trò rất quan trọng trong doanh nghiệp. Với khối lượng công việc khá lớn, các nhân viên kế toán thanh toán cần có những kỹ năng cần thiết như:

  • Nắm vững nghiệp vụ kế toán
  • Thành thạo các kỹ năng tin học văn phòng các các phần mềm kế toán mà công ty sử dụng.
  • Do phải tiếp xúc với nhiều thành phần như khách hàng và nhân viên công ty nên người kế toán thanh toán cần giao tiếp và thuyết trình tốt.
  • Cẩn thận, tỉ mỉ. Đây là yêu cầu chung của người làm vị trí kế toán.
  • Nếu bạn có thêm kỹ năng của kế toán công nợ thì sẽ làm một điểm cộng cho bạn khi tham gia vào kế toán thanh toán.

Kế toán thanh toán cần phải cẩn thận, tỉ mỉ

Kế toán thanh toán là xử lý các hoạt động tài chính hàng ngày của doanh nghiệp, theo dõi những số liệu chi tiết hàng ngày. Do đó, đây là vị trí cơ bản nhưng cũng rất quan trọng. Nếu bạn có nhu cầu nâng cao nghiệp vụ của kế toán thanh toán bạn có thể liên hệ với Vina Accounting để được tư vấn các lớp đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ kế toán nhé.