Có thể thấy kế toán trưởng có nhiệm vụ tổ chức, kiểm tra những công tác kế toán, do đó mà người đảm nhiệm vị trí này khá quan trọng đối với cơ cấu tổ chức của một doanh nghiệp. Vậy thì có thật sự là mọi doanh nghiệp bắt buộc phải có kế toán trưởng hay không? Những trường hợp nào ngoại lệ? Hãy cùng Vina Accounting tìm ra lời giải đáp ngay trong bài viết dưới đây.
I. Cơ sở pháp lý
Cơ sở pháp lý dựa trên các luật, nghị định như sau:
- Luật kế toán 88/2015/QH13 (20/11/2015)
- Nghị định số 174/2016/NĐ-CP (hướng dẫn cho Luật kế toán)
II. Giới thiệu sơ lược về kế toán trưởng
Chức danh này được dùng để chỉ những người đứng đầu bộ phận kế toán của một tổ chức, cơ quan nhà nước hay đơn vị sự nghiệp có sử dụng ngân sách từ nhà nước hoặc do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Nhiệm vụ chính của kế toán trưởng là lên kế hoạch, tổ chức, thực hiện những hoạt động kế toán cho doanh nghiệp (theo quy định của Luật kế toán 2015, khoản 1 Điều 53).
Ngoài nhiệm vụ trên, kế toán trưởng còn có trách nhiệm hỗ trợ người đại diện theo pháp luật của đơn vị trong việc giám sát tài chính tại đơn vị. Nếu đơn vị có kế toán cấp trên, kế toán trưởng sẽ phải chịu sự chỉ đạo và kiểm tra từ kế toán trưởng của đơn vị kế toán cấp trên về chuyên môn, nghiệp vụ. Do đó mà họ luôn phải tuân thủ sự lãnh đạo của người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật về kế toán.
Kế toán trưởng là những người đứng đầu từ bộ phận kế toán với nhiệm vụ giám sát những công việc có liên quan đến kế toán
III. Vị trí kế toán trưởng có bắt buộc không?
Được dựa trên các khoản quy định trong khoản 4, điều 2 của Luật kế toán 2015, đối tượng áp dụng bộ luật này là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, cùng với chi nhánh và văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam có trách nhiệm lập báo cáo tài chính và được gọi là đơn vị kế toán (khoản 4, điều 3 của Luật kế toán 2015).
Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định 174/2016/NĐ-CP, các đơn vị kế toán cần phải bổ nhiệm vị trí kế toán trưởng trừ những bộ phận, đơn vị quy định trong khoản 2. Nếu đơn vị chưa bổ nhiệm được ngay kế toán trưởng thì phải bố trí người phụ trách kế toán hay thuê người làm kế toán trưởng theo như quy định pháp luật. Thời hạn bố trí người phụ trách kế toán tối đa là 12 tháng và sau đó, đơn vị kế toán phải bố trí người làm kế toán trưởng.
Các đơn vị kế toán trong lĩnh vực kế toán nhà nước, đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn chỉ bổ nhiệm phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng. Các doanh nghiệp siêu nhỏ được quy định bởi pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc bố trí kế toán trưởng.
Tuy nhiên, một số điều cần lưu ý như sau:
- Thời hạn để bổ nhiệm kế toán trưởng cho một doanh nghiệp, đơn vị kế toán trong lĩnh vực kế toán nhà nước được quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 20 thì 5 năm sau đó, doanh nghiệp cần thực hiện về những quy trình bổ nhiệm lại kế toán trưởng cũng như phụ trách kế toán.
- Khi có những thay đổi kế toán trưởng hay phụ trách kế toán, người đại diện theo như pháp luật từ đơn vị kế toán, người điều hành, quản lý đơn vị kế toán phải thực hiện tổ chức bàn giao công việc và tài liệu kế toán giữa kế toán trưởng, phụ trách kế toán cũ, phụ trách kế toán mới, cùng lúc đó cần thông báo đến các bộ phận có liên quan trong đơn vị và những bộ phận nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch khi biết họ tên và mẫu chữ ký của kế toán trưởng, phụ trách kế toán mới.
Tóm lại, không phải toàn bộ doanh nghiệp đều cần phải bổ nhiệm kế toán trưởng, những trường hợp không yêu cầu bổ nhiệm có kế toán trưởng bao gồm:
- Các đơn vị kế toán ngân sách và tài chính của xã, phường, thị trấn chỉ cần bổ nhiệm người phụ trách kế toán.
- Các doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ theo quy định pháp luật về doanh nghiệp nhỏ không bắt buộc phải có kế toán trưởng.
Xem thêm:
- Hướng dẫn các bước định khoản kế toán đơn giản, dễ hiểu
- [CHI TIẾT] Đối tượng của kế toán: Cách phân loại và xác định
Tiêu chí để xác định doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ
Căn cứ theo Điều 5 của Nghị định 80/2021/NĐ-CP, các tiêu chí để xác định một doanh nghiệp vừa và nhỏ theo như quy định pháp luật:
Bảng tiêu chí để xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ
Doanh nghiệp | Lĩnh vực | Tiêu chí |
Siêu nhỏ | Nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp và xây dựng | Bảo hiểm xã hội trung bình năm không vượt quá 10 người.
Tổng doanh thu hằng năm không quá 3 tỷ đồng (hay tổng vốn không quá 3 tỷ đồng/năm). |
Thương mại và dịch vụ | Bảo hiểm xã hội bình quân không vượt quá 10 người.
Doanh thu mỗi năm không vượt quá 3 tỷ đồng. |
|
Nhỏ | Nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp và xây dựng | Bảo hiểm xã hội trung bình đạt không quá 100 người.
Doanh thu mỗi năm không vượt 50 tỷ đồng hay tổng nguồn vốn không trên 20 tỷ đồng/năm (không phải doanh nghiệp siêu nhỏ). |
Thương mại và dịch vụ | Lao động có tham gia bảo hiểm xã hội không trên 50 người/năm.
Tổng doanh thu không quá 50 tỷ đồng mỗi năm hoặc nguồn vốn không đến 50 tỷ đồng hàng năm (không phải doanh nghiệp siêu nhỏ). |
|
Vừa | Nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp và xây dựng | Bình quân hàng năm lực lượng lao động không quá 200 người.
Tổng doanh thu không hơn 200 tỷ đồng/năm hay nguồn vốn thấp hơn 100 tỷ đồng (không phải doanh nghiệp siêu nhỏ hay doanh nghiệp nhỏ). |
Thương mại và dịch vụ | Lao động tham gia bảo hiểm xã hội không vượt quá 100 người/năm.
Doanh thu dưới 300 tỷ đồng hay nguồn vốn không vượt quá 100 tỷ đồng (không phải doanh nghiệp siêu nhỏ hay doanh nghiệp nhỏ). |
IV. Những mức xử phạt có liên quan đến kế toán trưởng
Các mức xử phạt có liên quan đến kế toán trưởng
Bảng mức xử phạt có liên quan đến kế toán trưởng
Mức phạt | Hành vi vi phạm |
5.000.000 – 10.000.000 đồng | Khi thuê tổ chức hoặc cá nhân không đạt chuẩn hoặc không đủ điều kiện hành nghề kế toán để có thể cung cấp dịch vụ cho kế toán của mình |
Không thực hiện quy trình bổ nhiệm lại kế toán trưởng hay phụ trách kế toán trong khoản thời gian quy định | |
Không thực hiện việc bàn giao công tác kế toán khi thay đổi về người làm kế toán, phụ trách kế toán hay kế toán trưởng | |
Không tuân thủ quy định thông báo khi có sự thay đổi kế toán trưởng hay phụ trách kế toán | |
10.000.000 – 20.000.000 đồng | Không thực hiện tổ chức bộ máy kế toán cho đơn vị kế toán, không bố trí vị trí kế toán, kế toán trưởng hay không thuê cá nhân/tổ chức kinh doanh dịch vụ kế toán vào vị trí kế toán, kế toán trưởng theo quy định |
Người được bổ nhiệm vào vị trí kế toán không đáp ứng được yêu cầu của pháp luật | |
Người được bổ nhiệm vào vị trí kế toán, kế toán trưởng hay phụ trách kế toán không đáp ứng tiêu chuẩn cũng như quy định của pháp luật | |
Quy trình bổ nhiệm cũng như thủ tục bổ nhiệm kế toán trưởng hay phụ trách kế toán không đúng trình tự | |
20.000.000 – 30.000.000 đồng | Bổ nhiệm người có trách nhiệm quản lý hay điều hành những đơn vị kế toán vừa làm vị trí kế toán, thủ quỹ, thủ kho hoặc mua bán tài sản của công ty trách nhiệm hữu hạn (do một cá nhân thành lập, doanh nghiệp khác không có vốn nhà nước), doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ theo như quy định pháp luật cho doanh nghiệp vừa và nhỏ |
Người được bổ nhiệm vào vị trí kế toán trưởng không đạt tiêu chuẩn hay quy định pháp luật | |
Thuê những người không đạt tiêu chuẩn, quy định pháp luật vào vị trí kế toán trưởng |
Để khắc phục tình trạng này thì doanh nghiệp nên bổ nhiệm hay thuê những cá nhân làm vị trí kế toán, kế toán trưởng hay phụ trách kế toán đạt chuẩn và theo điều kiện, trình tự theo quy định pháp luật tại điểm a, b, khoản 1; điểm b, điểm c, khoản 2; điểm b, điểm c, khoản 3 của Điều này.
Trên đây là những thông tin cơ bản để giải đáp cho vấn đề doanh nghiệp có cần phải có vị trí kế toán trưởng hay không. Vina Accounting hy vọng rằng bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức hữu ích và giúp bạn giải quyết được những vấn đề liên quan đến kế toán trưởng.