Hoá đơn bán hàng là một trong những loại hoá đơn quan trọng, sử dụng trong giao dịch giữa người bán và người mua. Thế nhưng, có nhiều hộ kinh doanh chưa nắm rõ chi tiết cách viết hoá đơn bán hàng. Bài viết dưới đây, Vina Accounting sẽ hướng dẫn cách viết hoá đơn bán hàng cho hộ kinh doanh chi tiết và đầy đủ nhất.
I. Hoá đơn bán hàng là gì?
Hoá đơn bán hàng còn được gọi là hoá đơn trực tiếp, là loại hoá đơn được sử dụng để kê khai và tính thuế bằng phương pháp trực tiếp.
Hoá đơn này là chứng từ ghi nhận dịch vụ kinh doanh hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ trong nước hoặc nước ngoài. Bên mua hàng là những tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, khách hàng lẻ,…
Hoá đơn bán hàng có thể là hoá đơn điện tử, hoá đơn tự in, hoá đơn đặt in theo mẫu. Ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc hạch toán và theo dõi các khoản chi phí, hoá đơn bán hàng còn có vai trò như một chứng từ giao dịch quốc tế thể hiện giao dịch mua bán hàng hoá, dịch vụ.
II. Đối tượng được sử dụng hoá đơn bán hàng
Hoá đơn bán hàng là loại chứng từ quan trọng chỉ dành riêng cho những đối tượng nhất định, đối tượng ở đây là cá nhân hoặc tổ chức sử dụng phương pháp trực tiếp để kê khai và tính thuế.
– Các tổ chức kinh doanh nhưng không phải doanh nghiệp như nhà thầu, hợp tác xã, ban quản lý dự án trực tiếp tính, kê khai và nộp thuế.
– Các hộ cá nhân kinh doanh bán hàng có chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
– Các doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng trực tiếp theo tỷ lệ % doanh thu bán hàng của doanh nghiệp đó.
– Các doanh nghiệp đã từng vi phạm về hoá đơn, bị phạt hành chính về việc gian lận thuế hay trốn thuế phải dùng hóa đơn bán hàng tự in hoặc đặt in theo mẫu.
III. Hướng dẫn cách viết hoá đơn bán hàng cho hộ kinh doanh cá thể
Hoá đơn bán hàng là bằng chứng quan trọng thể hiện việc giao dịch hàng hóa và dịch vụ, là căn cứ giải quyết tranh chấp giữa hai bên khi có vấn đề xảy ra, vậy nên cách viết hoá đơn bán hàng chính xác là rất quan trọng. Nhiều hộ kinh doanh còn khá bối rối trước các hoá đơn bán hàng, dưới đây là hướng dẫn chi tiết cách viết hoá đơn bán hàng cho hộ kinh doanh.
1. Chỉ tiêu “ngày, tháng, năm”
Cụ thể trong các hoạt động sẽ điền các thông tin khác nhau, cần chú ý điền chính xác hoạt động đang kinh doanh.
- Hoạt động bán hàng: ngày chuyển giao quyền sở hữu hàng hoá.
- Hoạt động cung cấp dịch vụ: ngày hoàn thành việc cung cấp dịch vụ.
- Hoạt động xây dựng: ngày nghiệm thu bàn giao công trình, hạng mục công trình.
2. Thông tin người bán
Điền chính xác và đầy đủ thông tin quan trọng của người bán.
- Đơn vị bán hàng: tên công ty bán hàng.
- Mã số thuế: mã số thuế của công ty đã được cấp.
- Địa chỉ: ghi đúng địa chỉ theo giấy phép đăng ký kinh doanh.
- Điện thoại: ghi đúng số điện thoại dùng để liên lạc chính.
- Số tài khoản: số tài khoản giao dịch đúng với số đã đăng ký với cơ quan thuế.
3. Thông tin người mua hàng
Ghi đầy đủ, rõ ràng và chính xác thông tin khách hàng giúp đảm bảo độ uy tín và chuyên nghiệp cũng như tránh trường hợp phát sinh vấn đề ngoài ý muốn.
- Họ tên người mua hàng: sau khi ghi đầy đủ họ tên người mua hàng, nếu người mua không lấy hoá đơn, cần ghi cụ thể “người mua không lấy hoá đơn”, “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế”.
- Tên đơn vị: ghi rõ tên đơn vị theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế của người mua.
- Mã số thuế: ghi rõ mã số thuế của bên mua hàng.
- Địa chỉ: ghi chính xác địa chỉ theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
- Hình thức thanh toán: “CK” (hình thức chuyển khoản), “TM” (hình thức tiền mặt), hoặc “TM/CK” (chưa xác định hình thức thanh toán).
- Số tài khoản: ghi rõ số tài khoản của người mua hàng.
4. Chỉ tiêu thông tin hàng hoá, dịch vụ
Ghi đầy đủ thông tin về các loại hàng hóa, dịch vụ bán ra.
- STT: số thứ tự ghi tăng dần của các loại hàng hoá.
- Tên hàng hoá, dịch vụ: ghi chi tiết tên hàng hoá, dịch vụ bán ra.
- Đơn vị tính: đơn vị tính của hàng hoá bán ra giống với đơn vị tính của hàng hoá mua vào. Nếu thay đổi đơn vị tính cần có bảng quy đổi xác nhận từ nhà cung cấp.
- Số lượng: ghi rõ số lượng hàng hoá, dịch vụ bán ra.
- Đơn giá: giá bán của sản phẩm chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
- Thành tiền: tổng số tiền từ số lượng sản phẩm bán ra.
- Cộng tiền hàng: tổng chỉ tiêu “Thành tiền”.
- Thuế suất thuế GTGT: mức thuế suất của hàng hoá,dịch vụ là 0%, 5%, 10% tuỳ thuộc vào từng mặt hàng. Chỉ riêng đối với các mặt hàng có thuế suất như nhau thì mới được viết chung một hoá đơn.
- Tiền thuế GTGT: là tổng tiền hàng và thuế suất thuế GTGT.
- Tổng tiền thanh toán: là tiền hàng và tiền thuế GTGT.
5. Người mua hàng
Người mua hàng ký sau đó ghi rõ họ tên. Với trường hợp mua hàng online, người mua hàng không cần ký tên mà ghi rõ là bán hàng qua điện thoại, qua mạng,…
6. Người bán hàng
Người viết hoá đơn ký và ghi rõ họ tên. Đối với hoá đơn điện tử, mục này là chữ ký số của đơn vị bán hàng.
Trên đây là thông tin Vina Accounting cung cấp về cách viết hoá đơn bán hàng cho hộ kinh doanh, hy vọng đã mang đến nhiều điều bổ ích cho các đơn vị trên con đường phát triển kinh doanh.
Vina Accounting cung cấp các tiện ích như chữ ký số, hoá đơn điện tử, dịch vụ khắc dấu, phần mềm quản lý bán hàng.
Liên hệ với Vina Accounting qua Hotline: 0901 22 73 88 hoặc qua Email: vinaglobal.vn@gmail.com để được hỗ trợ.