Cách lập bảng cân đối kế toán chi tiết nhất

Bảng cân đối kế toán thường sẽ phản ánh hai yếu tố quan trọng trong sản xuất kinh doanh đó là tài sản và nguồn vốn. Để nắm rõ nội dung, kết cấu và cách lập bảng cân đối kế toán mới nhất, hãy cùng Vina Accounting theo dõi các chia sẻ dưới đây.

1. Nội dung và kết cấu phổ biến của bảng cân đối kế toán

1.1. Thế nào là Bảng cân đối kế toán?

Bảng cân đối kế toán là một báo cáo tài chính tổng hợp, thể hiện  toàn  bộ nguồn tài sản hiện có và nguồn vốn hình thành tài sản theo từng khoản mục trong một thời điểm cụ thể. Các khoản mục được phân loại, sắp xếp sao cho phù hợp với yêu cầu của công tác quản lý.

Dựa vào bảng cân đối kế toán, doanh nghiệp có thể đưa ra sự nhìn nhận, đánh giá khách quan về tình hình tài chính công ty. Đồng thời kiểm tra việc chấp hành các chế độ tài chính của doanh nghiệp theo quy định Nhà nước.

1.2. Nội dung của một Bảng cân đối kế toán

Bảng cân đối kế toán phản ánh tài sản của doanh nghiệp vào một thời điểm nhất định theo hai yếu tố đó là nguồn vốn kinh doanh và nguồn hình thành vốn kinh doanh.

Như vậy, nội dung trong Bảng cân đối kế toán nên thể hiện chi tiết tình hình biến động tài sản của công ty ở một thời điểm. Giả sử thời điểm đó là cuối năm, thì số liệu ghi trên Bảng cân đối kế toán cho biết đơn vị có những tài sản nào và giá trị của chúng là bao nhiêu.

Trong Bảng cân đối kế toán, tính cân đối rất được chú trọng, nó phản ánh mối liên hệ cân bằng giữa tài sản theo kết cấu vốn kinh doanh và nguồn hình thành vốn kinh doanh. Cụ thể ta có công thức:

Tài sản = Nguồn vốn

Cách lập bảng cân đối kế toán
Bảng cân đối kế toán cần phản ánh rõ tình hình biến động tài sản của doanh nghiệp ở một thời điểm.

1.3. Kết cấu thường gặp của Bảng cân đối kế toán

Các chỉ tiêu trong bảng cân đối kế toán được chia thành 2 phần:

  • Phần I: Tài sản, phản ánh tài sản theo kết cấu nguồn vốn kinh doanh;
  • Phần II: Nguồn vốn, phản ánh tài sản theo nguồn vốn hình thành trong kinh doanh.

Về hình thức thể hiện, cả hai phần có thể trình bày theo chiều dọc, tức là liệt kê các khoản mục thuộc phần I sau đó mới đến các khoản mục thuộc phần II. Hoặc trình bày theo chiều ngang, nghĩa là liệt kê song song các khoản mục thuộc phần I và phần II.

Về thứ tự trình bày các khoản mục thuộc phần I là liệt kê các loại Tài sản ngắn hạn, sau đó đến Tài sản dài hạn. Sắp xếp các khoản mục từ trên xuống dưới theo tính thanh khoản giảm dần.

Về thứ tự trình bày các khoản mục thuộc phần II là liệt kê các loại Nợ phải trả, sau đó đến Nguồn vốn chủ sở hữu. Sắp xếp các khoản mục từ trên xuống dưới theo thời hạn thanh toán các khoản nợ.

2. Lập Bảng cân đối kế toán lấy dữ liệu từ đâu?

Bảng cân đối kế toán sẽ được lập căn cứ theo:

  • Số liệu sổ kế toán tổng hợp.
  • Số liệu trên sổ kế toán hoặc Bảng tổng hợp chi tiết.
  • Số liệu vào cuối năm trên Bảng cân đối kế toán năm trước.

Nguồn số liệu thường dùng để lập Bảng cân đối kế toán xuất phát từ các sổ kế toán. Mà dữ liệu trong các sổ sách này bao gồm cả giá trị hiện có (số dư) và tình hình biến động (số phát sinh). Do đó việc lựa chọn số liệu nào để nhập vào báo cáo cân đối kế toán sẽ căn cứ theo yêu cầu các chỉ tiêu phản ánh trong báo cáo.

Cách lập bảng cân đối kế toán
Bảng cân đối kế toán sử dụng nguồn dữ liệu trong các sổ kế toán

3. Tính chất của một Bảng cân đối kế toán

Với vai trò là một báo cáo tài chính được lập ra để cung cấp tình hình kết quả kinh doanh cho bên ngoài, nên bảng cân đối kế toán cần đảm bảo tính chính xác, trung thực, dễ hiểu, có thể so sánh …

Cùng tham khảo một ví dụ cụ thể sau đây để biết cách vận hành của một báo cáo cân đối kế toán:

Cách lập bảng cân đối kế toán
Báo cáo cân đối kế toán

Nhìn vào số liệu so sánh giá trị tài sản trong hai thời điểm Kỳ kế toán thứ N và kỳ kế toán thứ N + 1, ta thấy giá trị của các khoản mục đã thay đổi. Ví dụ khoản mục tiền mặt đã tăng từ 100 lên 200, khiến tổng tài sản cũng tăng từ 1570 lên 1660. Thế nhưng, Tổng tài sản luôn bằng với Tổng nguồn vốn. Điều này chứng minh tính cân đối của Bảng cân đối kế toán sẽ không mất đi kể cả khi giá trị từng khoản mục đã thay đổi.

Phân tích mối liên hệ giữa bảng cân đối kế toán và tài khoản kế toán:

Giống nhau: Cả hai đều được dùng để phản ánh đối tượng kế toán.

Khác nhau:

  • Đối tượng của Bảng cân đối kế toán chỉ có tài sản và nguồn vốn tại một thời điểm. Còn đối tượng của tài khoản kế toán lại là tài sản và sự vận động của tài sản (tài khoản doanh thu, tài khoản chi phí…).
  • Về khả năng phản ánh đối tượng, khoản mục trong Bảng cân đối kế toán chỉ được thể hiện dưới góc độ khái quát. Trong khi đó, khoản mục trong tài khoản kế toán lại phản ánh cụ thể, chi tiết hơn.

Mặt khác, cả hai báo cáo này đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Doanh nghiệp khi bắt đầu kỳ kế toán mới, căn cứ để kế toán ghi số dư đầu kỳ vào các tài khoản đó là Bảng cân đối kế toán. Sau đó đến cuối kỳ, kế toán sẽ xác định số dư của từng tài khoản. Và đưa chúng trở thành căn cứ để lập Bảng cân đối kế toán mới.

4. Gợi ý cách lập bảng cân đối kế toán từ A – Z

Giải thích:

  • Cột “Đầu kỳ”: Lấy từ số liệu của cột “Cuối kỳ” ở bảng cân đối kế toán ngày 31/12 năm ngoái.
  • Cột “Cuối kỳ”: Lấy “Số dư cuối kỳ” của các khoản mục liên quan trên bảng cân đối phát sinh trong năm nay.
  • Tổng Tài sản = Tổng Nguồn vốn
Cách lập bảng cân đối kế toán
Bảng cân đối kế toán

5. Các sai sót phổ biến khi lập bảng cân đối kế toán

5.1. Sai sót về hình thức

  • Sai đơn vị tính: Đơn vị sử dụng trong Bảng cân đối kế toán quy định bắt buộc là đồng Việt Nam. Mọi cách ghi khác đều không hợp lệ.
  • Thiếu chữ ký trong bảng CĐKT: Bảng CĐKT trước khi nộp và công bố bắt buộc có đầy đủ chữ ký của Giám đốc, Kế toán trưởng và Người lập báo cáo.
  • Sai thời gian lập: Theo mặc định, thời gian lập báo cáo cân đối kế toán là ngày kết thúc năm tài chính. Tuy nhiên, nếu có sự điều chỉnh của kiểm toán, kế toán cần chỉnh sửa lại thời gian lập cho phù hợp.

5.2. Sai sót về nội dung

  • Sai chỉ tiêu “Tiền và các khoản tương đương tiền”: Có không ít doanh nghiệp đưa số liệu của những khoản đầu tư trên 3 tháng vào khoản mục này, khiến số liệu tăng cao. Tuy nhiên theo quy định, các khoản đầu tư dưới 1 năm phải ghi nhận vào khoản mục “Đầu tư tài chính ngắn hạn”.
  • Sai sót do ghi nhận sai các khoản lãi, lỗ khi bán chứng khoán: Một số doanh nghiệp đang nắm giữ các khoản đầu tư chứng khoán nhưng không theo dõi chặt chẽ, dẫn đến hạch toán không chính xác lãi, lỗ khi bán.
  • Trích lập các khoản dự phòng không đúng quy định: Thường lý do sâu xa dẫn đến sai sót này là vì công ty không thành lập hội đồng thẩm định.
    • Đối với sai sót do trích lập dự phòng phải thu khó đòi: Kế toán cần chú ý đến các khoản nợ phải thu của những khách hàng sắp phá sản, hoặc đang làm thủ tục giải thể, hoặc không thu thập được các thông tin tài chính liên quan.
    • Đối với sai sót ở khoản mục “Hàng tồn kho”: Sai sót này xảy ra thường là do kế toán không áp dụng phương pháp tính giá hàng tồn kho một cách nhất quán giữa các kỳ kế toán. Để khắc phục, trước khi tiếp nhận công việc tại công ty, kế toán nên kiểm tra lại xem phương pháp tính giá xuất kho hàng hóa có phù hợp với chính sách kế toán không. Đồng thời tiến hành kiểm kê thường xuyên để chắc chắn số liệu là chính xác.
  • Sai sót do doanh nghiệp ghi nhận sai tỷ giá ngoại tệ: Có không ít công ty vẫn sử dụng Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 10 để ghi nhận tỷ giá ngoại tệ. Chuẩn mực này đã cũ do đó không mang tính hợp lệ, thay vào đó phải ghi nhận theo thông tư 201/2009/TT-BTC.

Trên đây là tổng hợp thông tin hữu ích giúp bạn nắm rõ kết cấu, nội dung và cách lập bảng cân đối kế toán sao cho chuẩn xác theo quy định thông tư. Nếu cần tư vấn, hãy liên hệ với Vina Accounting theo hotline 0901 22 73 88.