Mẫu Báo Cáo Kết Quả Kinh Doanh Theo Thông Tư 200 Kèm Hướng Dẫn

Việc báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh nhằm để tổng hợp, phản ánh tình hình và kết quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh của một đơn vị, doanh nghiệp cụ thể. Vì thế các đơn vị, doanh nghiệp cần nắm rõ những nội dung, mục đích của mẫu báo cáo và luôn phải cập nhật theo các thông tư mới nhất. Hiện nay đã có mẫu báo cáo kết quả kinh doanh theo thông tư 200, nếu bạn vẫn chưa nắm rõ thì đừng vội bỏ qua bài viết này, VINA ACCOUNTING sẽ hướng dẫn chi tiết về những thông tin liên quan đến mẫu báo cáo trong bài viết dưới đây. 

Mục đích của việc báo cáo kết quả kinh doanh

Báo cáo kết quả kinh doanh được hiểu là một bộ phận trong báo cáo tài chính. Mẫu báo cáo này sẽ được các kế toán trong doanh nghiệp lập vào thời điểm cuối tháng/ cuối quý/ cuối năm tài chính, nhằm để phản ánh số liệu tổng thể cũng như tình hình hoạt động kinh doanh, buôn bán của doanh nghiệp.

Báo cáo kết quả kinh doanh để làm gì
Báo cáo kết quả kinh doanh để làm gì

Căn cứ vào mẫu báo cáo kết quả kinh doanh, người quản trị của doanh nghiệp và những nhà đầu tư mới có thể nêu ra các nhận xét, đánh giá để khái quát về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp và đưa ra các chiến lược phát triển kinh doanh hoặc đầu tư phù hợp trong tương lai.

Thông thường báo cáo kết quả kinh doanh phải được báo cáo cho Cơ quan thuế trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc niên độ kế toán.

Nội dung và kết cấu của báo cáo kết quả kinh doanh

Đồng thời, các đơn vị, doanh nghiệp cũng nên nắm rõ những nội dung và kết cấu trong mẫu báo cáo kết quả kinh doanh theo thông tư 200 để thực hiện chính xác theo quy định pháp luật.

  1. a) Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh cần phản ánh cho tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm kết quả từ hoạt động kinh doanh chính và kết quả từ các hoạt động tài chính và các hoạt động kinh doanh khác của doanh nghiệp.
  • Khi lập báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh tổng hợp giữa doanh nghiệp và các đơn vị cấp dưới thông có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc, doanh nghiệp phải loại trừ toàn bộ các khoản thu, thu nhập và các chi phí phát sinh từ các giao dịch nội bộ.
Nội dung, kết cấu của báo cáo kết quả kinh doanh 
Nội dung, kết cấu của báo cáo kết quả kinh doanh
  1. b) Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh sẽ có 5 cột gồm:
  • Cột số 1: Các chỉ tiêu của bảng báo cáo;
  • Cột số 2: Mã số của các chỉ tiêu của bảng báo cáo tương ứng;
  • Cột số 3: Các số hiệu tương ứng với các chỉ tiêu của báo cáo này sẽ được thể hiện chỉ tiêu trên bản thuyết minh báo cáo tài chính
  • Cột số 4: Tổng số của những phát sinh trong kỳ báo cáo của năm;
  • Cột số 5: Số liệu của những năm trước (nhằm mục đích so sánh)

Mẫu báo cáo kết quả kinh doanh theo thông tư 200

Dưới đây là mẫu báo cáo kết quả kinh doanh theo thông tư 200, các tổ chức, doanh nghiệp có thể tham khảo ngay. 

Báo cáo kết quả kinh doanh theo thông tư 200 mới nhất
Báo cáo kết quả kinh doanh theo thông tư 200 mới nhất

Lập báo cáo kết quả kinh doanh như thế nào?

  1. Nguyên tắc lập và trình bày
  • Các khoản mục doanh thu, thu nhập, chi phí phải được trình bày theo nguyên tắc phù hợp và đảm bảo nguyên tắc thận trọng. Các khoản doanh thu, thu nhập, chi phí của các kỳ trước có sai sót làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh phải được điều chỉnh hồi tố, không điều chỉnh vào kỳ báo cáo.
Nguyên tắc, cơ sở để lập nên bảng báo cáo 
Nguyên tắc, cơ sở để lập nên bảng báo cáo

(*Điều chỉnh hồi tố: Là việc điều chỉnh những ghi nhận, xác định giá trị và trình bày các khoản mục của báo cáo tài chính như thể các sai sót của kỳ trước chưa hề xảy ra. Theo VAS29).

  • Khi lập Báo cáo tài chính tổng hợp giữa doanh nghiệp và các đơn vị cấp dưới không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc, các khoản doanh thu, chi phí, lãi, lỗ được coi là chưa thực hiện phát sinh từ các giao dịch nội bộ đều phải được loại trừ.
  1. Cơ sở số liệu
  • Báo cáo kết quả kinh doanh năm trước, quý này năm trước, quý trước,… 
  • Sổ kế toán tổng hợp và chi tiết của các Tài khoản loại 5,6,7,8,9
  • Các tài liệu liên quan khác…

Hướng dẫn trình bày báo cáo kết quả kinh doanh chính xác nhất

Căn cứ quy định tại khoản 3, Điều 113 của Thông tư 200/2014/TT-BTC về hướng dẫn lập và trình bày Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh như sau:

“Điều 113. Hướng dẫn lập và trình bày Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (Mẫu số B02-DN)

  1. Nội dung và phương pháp lập các chỉ tiêu trong Báo cáo Kết quả hoạt động kinh doanh

3.1. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (Mã số 01):

– Chỉ tiêu này phản ánh tổng doanh thu bán hàng hóa, thành phẩm, bất động sản đầu tư, doanh thu cung cấp dịch vụ và doanh thu khác trong năm báo cáo của doanh nghiệp. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là luỹ kế số phát sinh bên Có của Tài khoản 511 “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ” trong kỳ báo cáo.

Khi đơn vị cấp trên lập báo cáo tổng hợp với các đơn vị cấp dưới không có tư cách pháp nhân, các khoản doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ phát sinh từ các giao dịch nội bộ đều phải loại trừ.

– Chỉ tiêu này không bao gồm các loại thuế gián thu, như thuế GTGT (kể cả thuế GTGT nộp theo phương pháp trực tiếp), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế bảo vệ môi trường và các loại thuế, phí gián thu khác.

3.2. Các khoản giảm trừ doanh thu (Mã số 02):

Chỉ tiêu này phản ánh tổng hợp các khoản được ghi giảm trừ vào tổng doanh thu trong năm, bao gồm: Các khoản chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại trong kỳ báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là luỹ kế số phát sinh bên Nợ TK 511 “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ” đối ứng với bên Có các TK 521 “Các khoản giảm trừ doanh thu” trong kỳ báo cáo.

Chỉ tiêu này không bao gồm các khoản thuế gián thu, phí mà doanh nghiệp không được hưởng phải nộp NSNN (được kế toán ghi giảm doanh thu trên sổ kế toán TK 511) do các khoản này về bản chất là các khoản thu hộ Nhà nước, không nằm trong cơ cấu doanh thu và không được coi là khoản giảm trừ doanh thu.

Hướng dẫn trình bày báo cáo kinh doanh theo quy định
Hướng dẫn trình bày báo cáo kinh doanh theo quy định

3.3. Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ (Mã số 10):

Chỉ tiêu này phản ánh số doanh thu bán hàng hóa, thành phẩm, BĐS đầu tư, doanh thu cung cấp dịch vụ và doanh thu khác đã trừ các khoản giảm trừ (chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại) trong kỳ báo cáo, làm căn cứ tính kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Mã số 10 = Mã số 01 – Mã số 02.

3.4. Giá vốn hàng bán (Mã số 11):

Chỉ tiêu này phản ánh tổng giá vốn của hàng hóa, BĐS đầu tư, giá thành sản xuất của thành phẩm đã bán, chi phí trực tiếp của khối lượng dịch vụ hoàn thành đã cung cấp, chi phí khác được tính vào giá vốn hoặc ghi giảm giá vốn hàng bán trong kỳ báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là luỹ kế số phát sinh bên Có của Tài khoản 632 “Giá vốn hàng bán” trong kỳ báo cáo đối ứng bên Nợ của Tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”.

Khi đơn vị cấp trên lập báo cáo tổng hợp với các đơn vị cấp dưới không có tư cách pháp nhân, các khoản giá vốn hàng bán phát sinh từ các giao dịch nội bộ đều phải loại trừ.

3.5. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ (Mã số 20):

Chỉ tiêu này phản ánh số chênh lệch giữa doanh thu thuần về bán hàng hoá, thành phẩm, BĐS đầu tư và cung cấp dịch vụ với giá vốn hàng bán phát sinh trong kỳ báo cáo. Mã số 20 = Mã số 10 – Mã số 11.

3.6. Doanh thu hoạt động tài chính (Mã số 21):

Chỉ tiêu này phản ánh doanh thu hoạt động tài chính thuần phát sinh trong kỳ báo cáo của doanh nghiệp. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là luỹ kế số phát sinh bên Nợ của Tài khoản 515 “Doanh thu hoạt động tài chính” đối ứng với bên Có TK 911 “Xác định kết quả kinh doanh” trong kỳ báo cáo.

Khi đơn vị cấp trên lập báo cáo tổng hợp với các đơn vị cấp dưới không có tư cách pháp nhân, các khoản doanh thu hoạt động tài chính phát sinh từ các giao dịch nội bộ đều phải loại trừ.

3.7. Chi phí tài chính (Mã số 22):

Chỉ tiêu này phản ánh tổng chi phí tài chính, gồm tiền lãi vay phải trả, chi phí bản quyền, chi phí hoạt động liên doanh,… phát sinh trong kỳ báo cáo của doanh nghiệp. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là luỹ kế số phát sinh bên Có TK 635 “Chi phí tài chính” đối ứng với bên Nợ TK 911 “Xác định kết quả kinh doanh” trong kỳ báo cáo.

Khi đơn vị cấp trên lập báo cáo tổng hợp với các đơn vị cấp dưới không có tư cách pháp nhân, các khoản chi phí tài chính phát sinh từ các giao dịch nội bộ đều phải loại trừ.

3.8. Chi phí lãi vay (Mã số 23):

Chỉ tiêu này phản ánh chi phí lãi vay phải trả được tính vào chi phí tài chính trong kỳ báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này được căn cứ vào Sổ kế toán chi tiết Tài khoản 635.

3.9. Chi phí bán hàng (Mã số 25):

Chỉ tiêu này phản ánh tổng chi phí bán hàng hóa, thành phẩm đã bán, dịch vụ đã cung cấp phát sinh trong kỳ báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là tổng cộng số phát sinh bên Có của Tài khoản 641 “Chi phí bán hàng”, đối ứng với bên Nợ của Tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh” trong kỳ báo cáo.

3.10. Chi phí quản lý doanh nghiệp (Mã số 26):

Chỉ tiêu này phản ánh tổng chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh trong kỳ báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là tổng cộng số phát sinh bên Có của Tài khoản 642 “Chi phí quản lý doanh nghiệp”, đối ứng với bên Nợ của Tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh” trong kỳ báo cáo

Hy vọng với bài viết VINA ACCOUNTING đã tổng hợp về mẫu báo cáo kết quả kinh doanh theo thông tư 200 sẽ mang đến những thông tin hữu ích để bạn có thể thực hiện chính xác mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Nếu vẫn còn bất cứ câu hỏi hay thắc mắc, liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp nhanh nhất nhé!

Xem thêm: